Nhiều năm liền Công ty TNHH MTV DAP (nay là Công ty CP DAP) gây bức xúc cho người dân và chính quyền sở tại, nhất là việc rò rỉ axit của bãi thải tập kết bã thạch cao (tên khoa học Gypsum) tạm thời. Sau nhiều nỗ lực và tìm kiếm giải pháp thông qua nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, cuối cùng Công ty CP DAP (sau đây gọi là DAP) đã tìm ra được giải pháp chế biến bã thạch cao thành thạch cao nhân tạo dùng làm phụ gia xi măng.
Hàng triệu tấn bã thạch cao sẽ được tái chế thành nguyên liệu phụ gia xi măng. (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)
Bã thạch cao có nguy hại?
Phải khẳng định mọi chất thải trong sản xuất công nghiệp đều độc hại ở mức độ nhất định nào đó. Tuy nhiên, chất gypsum (bã thạch cao) chỉ gây hại khi hàm lượng axit dư trong bã thạch cao rò rỉ ra môi trường và không được xử lí triệt để.
Bã thạch cao có công thức hóa học CaSO4.2H2O, đây là chất thải rắn thông thường được tạo ra trong quá trình sản xuất axit photphoric từ nguyên liệu quặng tuyển Apatit để thu hồi P2O5 có trong quặng để sản xuất phân bón.
Từ năm 2009 đến nay DAP đã đổ ra bãi thải tạm thời khoảng 2 triệu tấn bã thạch cao, chiều cao 25m, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với độ cao cho phép 15m (theo thiết kế 40m). Để tận thu lượng axit dư thừa DAP đã cắm bấc thấm hút chân không xung quanh bọc bùn sâu 18m, đê bao được đắp đất, phía trong thân đê bọc 0,3m đất sét, phía ngoài xây kè đá 0,25m; toàn bộ mặt nền bãi và mái đê phía trong được bọc kín lớp HDPE để đảm bảo nước không thấm ra ngoài. Đặc biệt, bãi chứa bã thạch cao tạm thời có hố thu nước axit để bơm quay trở lại nhà máy tận thu. Đến khi hàm lượng PH xuống dưới mức cho phép bã thạch cao sẽ được di chuyển tới bãi tập kết lâu dài diện tích khoảng 40ha và được tiến hành tái chế thành thạch cao nhân tạo dùng làm phụ gia xi măng.
Ngoài ra, DAP đã thực hiện quan trắc thường xuyên tại 4 giếng khoan xung quanh bãi chứa bã thạch cao tạm thời, trong đó có 3 giếng nằm tại vị trí sát chân đê bao, một giếng cách đê bao hơn 200m để đối chứng. Theo kết quả quan trắc ngày 30/9/2014 thỉ các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 09:2008/BTNMT quy chuẩn quốc gia về tiêu chuẩn nước ngầm.
Biến chất thải thành… tiền
Sau nhiều năm nghiên cứu và phối hợp với nhiều đơn vị để tái chế bã thạch cao thành thạch cao nhân tạo dùng làm phụ gia xi măng, nguyên liệu san nền, đắp mặt bằng… đến năm 2010 Công ty CP thạch cao Đình Vũ ra đời. Đến nay, Công ty đã xây dựng xong, lắp 1/4 dây chuyền, sản lượng 150.000 tấn/dây chuyền/năm và đang trong giai đoạn chạy thử. Tính hết tháng 6/2014, công ty đã cung cấp 10.000 tấn thạch cao nhân tạo cho Nhà máy xi măng Bút Sơn (Hà Nam) và được đối tác đánh giá cao. Để chủ động hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm, DAP đã phối hợp với Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) lập dự án chế biến bã thạch cao thành thạch cao nhân tạo làm phụ gia xi măng. Sau nhiều nỗ lực, hai bên đã đi đến kí kết bản thỏa thuận hợp tác, trong đó Vicem là cổ đông chi phối và chịu trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Theo kế hoạch, hết quí 1/2015 Vicem sẽ hoàn thành báo cáo đầu tư và đến quí II/2015 sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Tổng Giám đốc DAP cho biết: Cái khó hiện nay là tìm tiếng nói chung giữa Vicem và Công ty CP thạch cao Đình Vũ trong việc hợp tác liên doanh, liên kết để sản xuất thạch cao nhân tạo ngay tại khuôn viên của Công ty này, nhằm không phải thụ động trong việc đợi chính quyền cấp đất, giấy phép…
Về thực tế, bã thạch cao đã được tái chế thành thạch cao nhân tạo dùng làm phụ gia xi măng rất thành công, trên thế giới họ phát triển công nghệ này từ rất lâu và đem lại hiệu quả cao trong việc tận thu rác thải, bảo vệ môi trường hiệu quả và đem lại nguồn thu kinh tế lớn. Nếu như DAP và Vicem kết hợp thành công thì đây sẽ là bước khởi đầu quan trọng để sắp tới DAP2 ở Lào Cai sẽ áp dụng mô hình tái chế này nhằm tận thu triệt để rác thải biến nó thành… tiền và bảo vệ môi trường.
Theo Lê Xuân/ Báo Tài nguyên & Môi trường, 13/01/2015