Sự hồi sinh của ngành bất động sản đang kéo theo sự tăng trưởng ngành xây dựng, trong đó, thị trường tấm trần thạch cao đang sôi động với sự góp mặt của nhiều "tay chơi mới"
Thêm thương hiệu ngoại
Công ty Knauf Việt Nam ngày 19/6 đã ra mắt nhà phân phối khu vực miền Nam sau khi ra mắt nhà phân phối miền Bắc và miền Trung vào cuối năm 2014. Sự kiện này cho thấy quyết tâm thâm nhập thị trường của Knauf sau gần 2 năm mở văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Chuẩn bị cho việc kinh doanh, đầu năm 2014, Knauf đã xây dựng nhà máy tại Hải Phòng với vốn đầu tư 30 triệu euro.
Nhà máy được xây dựng trên diện tích 63.000m 2 , công suất 20 triệu m 2 tấm thạch cao và 15 triệu mét khung xương kim loại một năm; dự kiến đi vào hoạt động trong cuối năm nay.
Ông David Victor Thomas, Tổng giám đốc Knauf Việt Nam, cho biết, chọn J&J là nhà phân phối tại miền Nam sẽ giúp công ty củng cố và mở rộng mạng lưới phân phối khắp cả nước đồng thời tăng mức độ nhận biết thương hiệu.
"Chúng tôi đã hoàn tất việc tuyển dụng các vị trí chủ chốt ở bộ phận tiếp thị, tài chính, nhân sự, bán hàng khu vực. Chúng tôi tin rằng, với đội ngũ nhân viên có năng lực và đầy nhiệt huyết, Knauf và các nhà phân phối sẽ sớm đạt được các mục tiêu đề ra", ông David Victor Thomas nói.
Trước Knauf, cuối năm 2014, Tập đoàn Saint-Gobain cũng đã đầu tư 65 triệu USD xây dựng thêm một nhà máy tại Hải Phòng với công suất 30 triệu m 2 /năm, dự kiến hoạt động vào giữa năm 2016.
Nhà máy sẽ sản xuất tấm trần thạch cao đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu thị trường phía Bắc. Với dự án mới này, Saint-Gobain sẽ nâng tổng công suất lên 45 triệu m 2 thạch cao/năm.
Có nhiều lý do khiến nhà đầu tư ngoại về vật liệu nhẹ mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Chẳng hạn, việc áp dụng Thông tư 09/2012 của Bộ Xây dựng (quy định các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu không nung loại nhẹ, trong đó có tường thạch cao, kể từ sau năm 2015) tạo điều kiện thuận lợi cho ngành phát triển.
Theo ông Olivier de Bayser, Tổng giám đốc Công ty Saint-Gobain Việt Nam, với đặc tính nhẹ và thi công nhanh, tấm trần thạch cao trở thành vật liệu xây dựng được sử dụng rộng rãi trên thế giới.
Tại Việt Nam, vật liệu này tuy mới phổ biến những năm gần đây nhưng dự báo trong 5 năm tới sẽ được lựa chọn trong tất cả các công trình kiến trúc lẫn dân dụng.
So với các nước trong khu vực, mức tiêu thụ thạch cao ở Việt Nam còn rất thấp. Cụ thể, mức tiêu thụ thạch cao bình quân ở Thái Lan, Malaysia là 1m 2 /người/năm, Hàn Quốc là 3,4m 2 thì Việt Nam mới đạt 0,5m 2 .
Với đà tăng trưởng 8-10%, trong vòng 10 năm nữa, mức tiêu thụ mặt hàng này sẽ tăng lên 1m 2 /người, tương đương 100 triệu m 2 /năm. Đây cũng chính là lý do để Saint-Gobain Việt Nam mở nhà máy thứ hai.
Đứng giữa "ba gọng kìm"
Theo thống kê chưa đầy đủ, thị trường tấm trần thạch cao đang có sự góp mặt của 20 doanh nghiệp nhưng thị phần đang thuộc về các nhà đầu tư ngoại.
Trong nước, chỉ có Vĩnh Tường là thương hiệu có thể ngang tầm với nhà đầu tư nước ngoài. Thành lập năm 1991, Vĩnh Tường là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam sản xuất và cung cấp các loại khung trần, tấm trang trí thay cho hàng nhập khẩu.
Với tham vọng trở thành nhà sản xuất và cung cấp các giải pháp trần và vách ngăn được ưa chuộng nhất khu vực ASEAN, Vĩnh Tường đã xây dựng 5 nhà máy tại Việt Nam, Singapore, Campuchia, cung cấp hơn 25 triệu m 2 khung trần/năm và gần 30 triệu m 2 tấm trần cho thị trường Đông Nam Á, Úc, Sri Lanka, Nam Phi...
Năm 2007, Công ty đã xây dựng được hệ thống 300 nhà phân phối, chiếm 70% thị phần cả nước.
Năm 2014, Công ty đạt hơn 2.100 tỷ đồng doanh thu, hơn 110 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; đặt kế hoạch 2.300 tỷ đồng doanh thu năm 2015 với tỷ lệ trả cổ tức 15%.
Mạnh là vậy nhưng đầu tháng 6 này, Vĩnh Tường phải bán 57% cổ phần cho Saint-Gobain Việt Nam. Động thái này cho thấy Vĩnh Tường đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn khi mà Saint-Gobain quyết tâm "thống lĩnh" thị trường Việt Nam.
Điều này cũng có cơ sở khi đây là công ty vật liệu xây dựng của Tập đoàn Saint-Gobain (Pháp) có bề dày 350 năm.
Trong lĩnh vực thạch cao, Saint-Gobain cũng có thâm niên đến 100 năm và nhiều năm liền được Thomson Reuters bình chọn là một trong 100 tập đoàn sáng giá nhất thế giới.
Không chỉ bị áp lực từ Saint-Gobain, Vĩnh Tường còn đang bị bủa vây bởi những thương hiệu lớn từ nước ngoài như Knauf, Boral Gypsum. Trong đó, Knauf tuy chỉ mới thâm nhập thị trường nhưng cũng là một trong những thương hiệu "đáng gờm".
Tập đoàn này hiện là nhà cung cấp tấm thạch cao đứng thứ 2 toàn cầu với 220 nhà máy và văn phòng ở hơn 60 quốc gia cùng lực lượng lao động hơn 25.000 người. Knauf đang tập trung vào các thị trường Thái Lan, Indonesia, Úc và Việt Nam.
Ông David Victor Thomas, cho biết, Knauf chỉ cung cấp sản phẩm chất lượng cao như tấm thạch cao tiêu chuẩn StandardShield, tấm thạch cao chịu ẩm, chống cháy, tấm sợi khoáng... Trong khi chờ sản phẩm từ nhà máy tại Việt Nam, Knauf đã nhập khẩu để đưa vào thị trường.
Thương hiệu thứ 3 khiến Vĩnh Tường thêm khó là Boral Gypsum - một tập đoàn có quy mô lớn hơn rất nhiều lần so với doanh nghiệp tấm trần thạch cao hàng đầu Việt Nam này.
Xây dựng nhà máy từ năm 2006, đến giữa năm 2011, Boral Gypsum đã đầu tư thêm 20 triệu USD để nâng công suất nhà máy lên 40 triệu m 2 /năm (cao gấp 3 lần so với nhà máy xây dựng trước đó). Đã vậy, sản phẩm của công ty này có chất lượng cao nhưng lại có mức giá rất cạnh tranh cho các công trình lớn và trọng điểm.
Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn