(TBKTSG) - Sử dụng thạch cao làm trần đã trở nên rất phổ biến nhờ tính thẩm mỹ cao, dễ thi công và trang trí. Nhưng thạch cao để làm tường trong những ngôi nhà riêng và cả cho các công trình cao tầng thì sao? Trong buổi trò chuyện đầu năm với TBKTSG, ông Olivier de Bayser, Tổng giám đốc Công ty Saint-Gobain Việt Nam, chủ sở hữu thương hiệu thạch cao Gyproc, đã tiết lộ những thông tin đầy thú vị xung quanh thị trường thạch cao - vốn được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới.
TBKTSG: Người Việt Nam có thói quen sử dụng gạch nung đất sét hàng ngàn năm nay và gạch - từ những nhà sản xuất có tên tuổi hoặc từ các lò gạch không tên, mặc nhiên đã đáp ứng được các tiêu chuẩn xây dựng nên thường là loại vật liệu được lựa chọn đầu tiên. Thạch cao khi sử dụng làm tường trong các công trình xây dựng thì sẽ “đối đầu” với gạch như thế nào, thưa ông?
- Ông Olivier de Bayser: Tôi nhận thấy việc sử dụng tường gạch nung như một thói quen có từ rất lâu tại Việt Nam. Đây là một thử thách đối với chúng tôi vì để thay đổi thói quen này sẽ phải cần thêm nhiều thời gian và nỗ lực. Tuy nhiên, tôi cũng coi đây là một cơ hội lớn cho ngành thạch cao vì với xu hướng sử dụng vật liệu nhẹ, thi công nhanh và thân thiện môi trường thì thạch cao là một sự lựa chọn tối ưu để xây những công trình cao tầng hơn, thông minh hơn.
Tổng mức tiêu thụ thạch cao tại Việt Nam hiện nay là 45 triệu mét vuông/năm tương đương 0,5 mét vuông/người/năm. Đây là tỷ lệ thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia vào khoảng 1 mét vuông/người/năm, Hàn Quốc 3,4 mét vuông/người/năm hay châu Âu là khoảng 10 mét vuông/người/năm. Điều này có nghĩa cơ hội cho ngành thạch cao tại Việt Nam là rất lớn.
Từ các thí nghiệm và thực tế sử dụng tại các công trình cho thấy, so với tường gạch, tường thạch cao có nhiều ưu thế vượt trội như cách âm cách nhiệt tốt, có khả năng chống cháy... Đặc biệt, so với tường gạch thì tường thạch cao nhẹ hơn gấp 10 lần, giúp giảm tải cho các tòa nhà cao tầng. Thời gian thi công tường thạch cao nhanh hơn gấp 3 lần, giúp tiết kiệm chi phí thi công và chi phí quản lý giám sát.
Các kiến trúc sư, nhà phát triển dự án, người tiêu dùng... cũng dần nhận ra những tiện ích vượt trội của thạch cao nên đã chuyển sang sử dụng hệ tường thạch cao trong các công trình thương mại lớn như Vincom Plaza, Kumho Asiana... cho tới các công trình có căn hộ dân dụng như Keangnam Landmark Tower Hà Nội, Indochina Plaza, Star Tower Hà Nội... Bên cạnh đó, thạch cao là một trong số ít loại vật liệu xây dựng có thể được tái chế 100%, không ảnh hưởng xấu đến môi trường - vốn là vấn đề đang được quan tâm lớn trong cộng đồng hiện nay.
“Với việc nhà máy mới tại Hải Phòng vừa được khởi công xây dựng, công suất 30 triệu mét vuông sản phẩm/năm, chúng tôi hy vọng sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng thạch cao tại Việt Nam, được dự đoán sẽ tăng từ mức 0,5 mét vuông/người hiện nay lên mức 1 mét vuông/người trong vòng 10 năm tới”.
Ông Olivier de Bayser, Tổng giám đốc Công ty Saint-Gobain Việt Nam
TBKTSG: Thạch cao được xem là vật liệu xây dựng bền vững, thân thiện với môi trường. Như vậy, ở tầm vĩ mô, chính sách của Nhà nước có khuyến khích đối với sản phẩm này không, thưa ông?
- Chính phủ chủ trương hướng đến sử dụng các loại vật liệu xây dựng không nung bền vững. Thông tư 09/2012 của Bộ Xây dựng cũng đã quy định rõ: các công trình xây dựng từ chín tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây dựng không nung loại nhẹ, trong đó có tường thạch cao.
TBKTSG: Có sự đảm bảo nào về chất lượng đối với những tính năng vượt trội của tường thạch cao như ông vừa nói vì người dân vẫn còn rất băn khoăn về việc tường thạch cao không treo được vật nặng, không chịu được môi trường ẩm ướt, chỉ phù hợp cho trần chứ không phải cho tường...?
- Tại thị trường Việt Nam, thạch cao chỉ đạt các tiêu chuẩn quốc tế thì chưa đủ mà phải đạt được tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 8256 để được sử dụng chính thức trong các công trình. Xét về điều kiện độ ẩm cao - yếu tố tối quan trọng quyết định chất lượng của các sản phẩm thạch cao, TCVN thậm chí còn nghiêm ngặt hơn cả ASTM hay BS EN vì độ ẩm tại Việt Nam vốn cao hơn so với một số quốc gia khác trên thế giới. Để đạt được TCVN, sản phẩm phải trải qua các thử nghiệm nghiêm ngặt nhằm đảm bảo độ bền uốn tốt hơn trong điều kiện độ ẩm cao.
TBKTSG: Thị trường thạch cao đang có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Saint-Gobain đã chuẩn bị để đón đầu cơ hội như thế nào?
- Chúng tôi vào thị trường Việt Nam từ tháng 8-2005, thông qua một văn phòng đại diện. Năm 2007, chúng tôi mua lại một nhà máy sản xuất thạch cao trong nước là Vĩnh Tường. Cũng trong năm này, Saint-Gobain chính thức giới thiệu tấm thạch cao Gyproc được sản xuất tại Việt Nam, thay thế dần các sản phẩm nhập khẩu. Ba năm sau, chúng tôi nhanh chóng trở thành một trong những công ty dẫn đầu trong thị trường tấm thạch cao tại Việt Nam.
Chúng tôi cũng hoàn tất giai đoạn chuẩn bị xây nhà máy mới tại Hải Phòng, với tổng vốn đầu tư 65 triệu đô la Mỹ. Giữa năm 2016, nhà máy sẽ chính thức hoạt động với công suất 30 triệu mét vuông sản phẩm/năm, gấp đôi so với công suất của nhà máy hiện hữu tại khu công nghiệp Hiệp Phước, Nhà Bè. Với nhà máy này, chúng tôi hy vọng sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng thạch cao tại Việt Nam, được dự đoán sẽ tăng từ mức 0,5 mét vuông/người hiện nay lên mức 1 mét vuông/người trong vòng 10 năm tới.
Saint-Gobain (Pháp), với thương hiệu thạch cao Gyproc, là một tập đoàn chuyên về vật liệu xây dựng với 350 năm kinh nghiệm. Saint-Gobain cũng nằm trong top 100 tập đoàn sáng tạo nhất thế giới trong bốn năm liên tiếp, theo báo cáo của Thomson Reuters Top 100 Global Innovators. Riêng đối với thạch cao, Saint-Gobain đã có 100 năm kinh nghiệm sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như ASTM 1396 (Mỹ) hay BS EN 520 (châu Âu).