Tran thach cao 26/12/2014 - 01
Độ bền của thạch cao?
Nhiều người lầm tưởng chất liệu thạch cao thường dùng làm phấn viết hay đúc tượng… nên dễ vỡ! Đó là ý nghĩ sai lầm. Bởi tấm thạch cao dùng trong xây dựng là một dạng chế tác vật liệu theo công nghệ hiện đại, được sản xuất từ đá thạch cao (khoáng thạch cao) là khoáng vật trầm tích khai thác từ mỏ tựa như đá vôi. Người ta cho khoáng thạch cao (CaSO4.2H2O) này vào lò nung ở nhiệt độ cao từ 105-1500C để làm mất nước, sau đó mới đem nghiền thành bột thạch cao. Từ bột thạch cao này người ta mới ứng dụng nó để làm nhiều thứ trong nhiều ngành nghề khác nhau như trong y tế, mỹ nghệ, điêu khắc, đúc khuôn… và vật liệu xây dựng. Mỗi một ngành, ứng dụng thạch cao khác nhau để cho sản phẩm đạt yêu cầu trong ngành; đặc biệt là ngành xây dựng, đòi hỏi phải có độ bền chắc.
Nhận biết độ bền của tấm thạch cao
Chẳng hạn, trong y tế, từ bột thạch cao người ta pha nước để thành vữa và quấn với “vải” bó bột cho những nạn nhân gãy xương. Chỉ đơn giản vậy mà cái chân bó bột ví dụ, bạn gõ vào nó cứng như đá; khi tháo bột phải dùng đến cưa để cắt lớp bột bó này, chứng tỏ kết cấu thạch cao bền chắc đến độ nào!
Thử quay trở lại chuyện xa xưa cách nay hàng 100 năm, con người đã biết làm nhà bằng đất sét thô mộc, không nung gì cả: làm khung bằng tre, vữa là đất sét trộn với rơm rạ rồi trát lên khung tre mà ra nhà bằng đất. Hiện nay ở thôn quê Việt Nam vẫn còn những căn nhà như vậy, vẫn tồn tại năm bảy chục năm qua. Văn minh hơn, từ thuở đó, nhà của Tây làm trần bằng kiểu – trát tốc-xi: cũng đan sườn trần bằng tre hay gỗ xẻ, rồi trộn vữa là vôi với rơm rạ trát lên khung sườn trần nhà; vậy mà vẫn còn nơi, loại nhà Tây này còn tồn tại đến giờ. Điều này cho thấy, chất liệu đất sét, đá vôi thô đã bền vậy; nếu được nung đúng mức sẽ cho ra gạch, ra vữa vôi cứng chắc.
Tran thach cao 26/12/2014 - 02
Ngày nay, với thạch cao – khoáng trầm tích qua sản xuất chế tạo công nghệ hiện đại sẽ cho những loại tấm thạch cao có độ bền vững vàng trong xây dựng tường, vách ngăn và trần. Từ nguyên liệu thạch cao thiên nhiên 100% đưa qua lò nung ở nhiệt độ khoảng 1500C,sau đó thêm một số chất phụ gia như tinh bột, bông thủy tinh, sợi thủy tinh, K2SO4… để cho ra các loại tấm thạch cao chuyên dụng; ứng dụng cho những yêu cầu trong xây dựng như tấm thạch cao chịu lửa, cách âm, cách nhiệt, kháng âm, trang trí với độ bền cao. Độ bền chắc của thạch cao thể hiện cụ thể ở khả năng treo vật nặng trên tường, vách chẳng hạn. Qua thực nghiệm, bản thân tấm thạch cao có thể chịu được tải trọng treo tới 20kg/điểm; nếu có hệ khung gia cường bên trong, có thể treo vật nặng tới 400kg. Tức độ bền của thạch cao thỏa mãn mức độ chịu lực cao nhất theo tiêu chuẩn quốc tế BS 5234.
Ứng dụng đa dạng từ tấm thạch cao
Bên cạnh độ bền của thạch cao đã rõ, trong ứng dụng để làm hệ tường, nhất là hệ tường thạch cao chịu va đập thường tổ chức bộ khung xương bằng thép mạ kẽm, ốp bên ngoài 2 mặt bằng tấm thạch cao Gyproc chuyên dụng chịu va đập dày 13mm và bắt vít những tấm này vào khung thép; ở giữa hai bề mặt của vách, đặt lớp bông khoáng dày 50mm. Hệ tường thạch cao chịu va đập này thường được ứng dụng làm vách ngăn trong các khu vực công cộng như chung cư, cao ốc, trường học, bệnh viện… những nơi cần chịu sự va đập cao và treo được các vật nặng
Với các hệ thống tấm thạch cao ốp tường thì giải pháp kỹ thuật để hoàn thiện bề mặt tường gạch, tường bê tông hay tường xi măng cát; thay vì phải tô vữa xi măng cát, cách đơn giản và hiệu quả nhất bằng cách ốp tấm thạch cao trực tiếp lên bề mặt để hoàn thiện bằng bột keo dán. Hoặc gắn khung thép vào tường thô, từ đó ốp tấm thạch cao vào và bắt vít. Tất nhiên, dù bằng giải pháp nào cũng sử dụng băng giấy dán xử lý mối nối, rồi sau đó dùng bột chuyên dụng pha nước trát phẳng bề mặt tường, vách.
Giải pháp sử dụng tấm thạch cao trong xây dựng vừa nhẹ cho nền móng, đà dầm công trình, giảm chi phí; vừa mang lại hiệu quả thiết thực như chống cháy, cách âm, cách nhiệt, giảm tiêu thụ điện năng làm mát các không gian nhà ở, phòng ốc trong các công trình dân dụng cũng như công cộng. Bên cạnh đó, khi ứng dụng tấm thạch cao còn mang lại yếu tố thẫm mỹ cao, thích nghi được mọi kiểu cách mà thiết kế kiến trúc thể hiện; chẳng hạn, uốn cong, cắt xén dễ dàng, cấu tạo được trần nổi-trần chìm, trần giật cấp… và luôn tạo được bề mặt nhẵn mịn, không dợn sóng; còn có thể ốp gạch, dán giấy hay sơn… thoải mái lên bề mặt trang trí.
Với độ bền của tấm thạch cao như vậy, do đó khi thi công cần lưu ý một số điều bởi ngoài yếu tố che chắn, bảo vệ không gian có tính thẩm mỹ này việc chọn vật liệu rất quan trọng. Thạch cao phải là sản phẩm có thương hiệu, không nên dùng các loại thạch cao không rõ xuất xứ trên thị trường vì dễ bị nứt, đổ sập… Ngay cả, khung thép mạ kẽm, bột trát, giấy dán xử lý mối nối… cũng phải là sản phẩm đồng bộ cùng thương hiệu hoặc thương hiệu có tên tuổi. Thêm nữa, cần có giám sát thi công để thợ thi công làm đúng chuẩn mực, quy tắc. Có vậy, độ bền của tấm thạch cao mới thể hiện đúng bản chất của nó một cách vững vàng trong các công trình.